Sunday, April 10, 2011

Hai mảng sáng tối với Duelist 2005 OST


Thấm thoát đã lâu không vào chốn này. Hôm nay mới blog lại. Nhưng như thế mới hay, chỉ viết khi nào mình thích viết.

Thật cảm ơn bạn Chung Cường đã cất công hết tháng trời tìm lại giúp mình cặp đĩa này. Đối với mình, album này là độc nhất - Duelist 2005 OST. Thật ra tôi chỉ chú ý đến 3 bài duy nhất trong cặp đĩa này. Bài 7 (CD1). bài 2 (CD2), và bài 18 (CD2).

Cặp CD này là toàn bộ nhạc phim của Vụ Án Tiền Giả năm 2005, về cốt phim, quả thật cũng chỉ đạt mức trung bình, nhưng về nhạc và phim thì đạt đến mức hợp nhất, tập trung và tinh tế rất cao.

Một kiếm sĩ, sát thủ, lặng lẽ, thắt lưng đeo trường kiếm Katana, kiếm đạo tàn độc ẩn chứa trong một con người nội tâm u sầu lặng lẽ, thiên hạ thì rộng lớn, lẽ nào lại không có một người nào thấy được kiếm quang mà còn giữ được sinh mạng ? Có, nữ bộ khoái, thân hình nhỏ nhắn, đeo 1 cặp truỷ thủ để hành pháp.

Cả 2 người, một nam một nữ, 1 sát thủ giết người 1 bộ khoái diệt gian, người dùng trường kiếm, kẻ dùng truỷ thủ đạp lá thu vàng xào xạt trong hẻm tối rõ trăng, truy sát lẫn nhau giữa 2 mảng sáng tối tĩnh lặng, quyền phong phần phật, đao quang lấp lánh kêu uông uông vút bay trong không khí, giống như nhạc khí hơn là vũ khí. Rồi từ kiếm sinh tình, vì đơn đả độc đấu, vì hiểu lộ pháp quyền cước của nhau mà yêu nhau nhưng ... vẫn tìm giết nhau.

Người ta nói, nghĩ gì thì làm nấy, tâm tư như thế nào, đều diễn tả qua hành động, nên kiếm cũng như người, qua đao thức, biến chiêu, công thủ là biết tâm tư hiệp khách. Nhạc khí ẩn trong vũ khí, rồi có nhạc. Mà nhạc cũng như hình, đối lập nhưng tương hỗ lẫn nhau, làm người nghe vô cùng kinh ngạc. Cách viết nhạc và phối khí sẽ làm bạn không tin đây là nhạc của Hàn Quốc.

Bạn hãy nghe Shadow, bài 7 CD1, sau đó là Love song, bài 2 CD2. Bạn sẽ ngạc nhiên vì cách sắp xếp tracklist có chủ ý này. Rồi cuối cùng là Shadow and Love Song, bài 18 CD2. cả 3 bài này đều chơi chung trên 1 bản nhạc nền rất hay, có tiếng guitar acoustic và violin ấm áp nhưng cô độc và buồn, nhưng mỗi bài sẽ hát 1 cách, 2 lời, 2 chất giọng khác nhau hoàn toàn, thậm chí vào nhịp cũng khác nhau. Và bài cuối cùng, là phối lại 2 cách hát này lại chung với nhau.

Thoạt đầu nghe chói tai, nhưng càng nghe càng hay. Nhạc cũng như hình. Một nam một nữ, một trầm một cao, người vào trước kẻ hát sau, nhưng không ai phụ hoạ cho ai mà mỗi người một vẻ, như "gió đi đường gió, mây đường mây" của Hàn Mặc Tử. Thoạt đầu như là 2 cách hát sẽ khuất lấp lẫn nhau, nhưng thật ra lại hoà hợp được, cộng với chất lượng bản thu đạt mức audiophile, càng làm người nghe thấy hay mà không dám thở mạnh thành tiếng.

Độc đáo chỗ đó, mà đau thương cũng từ đó, thanh âm lay động thính giả là đây. Tôi rất thích những tác phẩm nghệ thuật bi tráng mà u uất đến chết, tìm hiểu và ngẫm nghĩ về cái chết, cũng là điều nên làm của tất cả để rõ ràng một kết cục từ công thức nhân quả.